Suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Sinh thời, Bác đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Những lời nói và bài viết của Người về sự nghiệp trồng người là một trong những di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta và Ngành Giáo dục.
Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vận mệnh đất nước ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cho đến ngày cả nước "xẻ dọc Trường Sơn" để giành độc lập, tự do cho dân tộc, non sông thu về một mối, Người luôn luôn dõi theo, nắm vững tình hình giáo dục để kịp thời động viên, nhắc nhở. Bác Hồ kính yêu chỉ có một ham muốn tột bậc là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Trong suốt chặng đường lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo. Người coi "Giáo dục là cốt sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi theo Người "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "dốt thì dại, dại thì hèn". Chính vì vậy, Người luôn luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải chăm lo đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, hòa bình, dân chủ. Theo đó, một nền giáo dục mới đã được hình thành, đem lại các giá trị tinh thần tốt đẹp, mới mẻ cho nhân dân Việt Nam. Và người sáng lập ra nền giáo dục mới ấy, không ai khác, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong nền giáo dục cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà. Họ chính là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, có trách nhiệm truyền kiến thức, bồi đắp nhân cách, giáo dục phẩm chất cho thế hệ trẻ. Trong bài Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (tháng 10 năm 1964), Người nói: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng". Người nêu rõ: trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động và sản xuất. Đây là những nội dung giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam.
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hoạt động giáo dục của Người đã góp phần vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người nói chung và chiến lược phát triển giáo dục nói riêng trong suốt mấy chục năm qua và trong những giai đoạn tiếp theo. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XIII (2021) của Ðảng, cũng như trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo và luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước".
Ngày nay, mặc dù đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Nhưng đạo học và truyền thống "tôn sư trọng đạo" vẫn luôn luôn được bảo tồn và phát triển. Nó đã trở thành một nếp sống văn hóa đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục sẽ mãi soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.